Nghề Điều dưỡng vốn đã vất vả nhưng cực khổ, gian nan và nguy hiểm hơn cả đó là Điều dưỡng viên tại bệnh viện tâm thần.
- 14 Nhu cầu thiết yếu của người bệnh mà Điều dưỡng viên nào cũng phải nhớ
- Muốn nâng cao thu nhập hãy chọn nghề Điều dưỡng!
- Những công việc tiềm năng người Điều dưỡng viên có thể làm sau khi ra trường
Gặp lại Thu Trang – Điều dưỡng viên Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 trong một buổi chiều muộn. Sau khi hoàn thành công việc của một ngày đầy mệt nhọc, đến bây giờ, cô gái nhỏ mới có thời gian trải lòng về khoảng thời gian gắn bó với cái nghề đầy vất vả này.
Chăm sóc người bệnh vất vả một, chăm sóc bệnh nhân tâm thần vất vả 10
Thu Trang cho biết, tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TPHCM cô xin vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 làm vì có người nhà đang công tác tại đây. Sau 5 năm gắn bó với công việc đầy cực nhọc này, đến bây giờ cô gái nhỏ đã thấm thía đủ mọi điều từ cái nghề mà người ta vẫn ví “khổ hơn làm dâu trăm họ” này.
Thu Trang chia sẻ, nếu như chăm sóc người bệnh thông thường vốn đã vất vả thì với người bệnh tâm thần lại càng cực nhọc gấp bội lần. Bởi vì bệnh nhân tâm thần họ không có khả năng tự ý thức những điều mình làm. Vì vậy, người Điều dưỡng viên không chỉ là đưa cơm, đưa thuốc mà còn phải đút từng thìa cháo, từng muỗng canh, đôi khi lên cơn hoặc không vừa ý, người bệnh còn phun cả cơm, canh, hay hất cả tô cháo vào mặt.
Chuyện tắm, giặt giũ áo quần cho bệnh nhân đã không còn xa lạ với bất kỳ Điều dưỡng nào. Bệnh nhân tâm thần thường bị xã hội xa lánh, người may mắn thì lâu lâu có gia đình thăm nom, ai thiệt thòi thì chẳng có ai thân thích bên cạnh. Thậm chí đến khi chết cũng không trông thấy mặt người thân một lân.
Vì vậy, việc tắm giặt, vệ sinh cá nhân chỉ một tay Điều dưỡng viên lo. Không chỉ là một bệnh nhân, mà mỗi ngày một người Điều dưỡng phải đảm nhận cho hàng chục người bệnh khác nhau. Có những bệnh nhân không thể tự ý thức, đi tiểu tiện, đại tiện ngay trên áo quần, hay vừa mặc xong đã làm vấy bẩn, Điều dưỡng lại lúi húi lau dọn, vệ sinh.
Nghề của muôn vàn hiểm nguy rình rập
“Làm nghề này chẳng khác nào đóng phim hành động, Chị ạ” – Thu Trang bộc bạch, cái nghề đầy rẫy sự hiểm nguy, thậm chí tính mạng bị đe doạ như cơm bữa, nhắc đến Điều dưỡng viên bệnh viện Tâm thần nhiều người lại thở dài ngao ngán.
Ấy là bởi vì bệnh nhân tâm thần những lúc lên cơn thì sẽ không ai biết được họ muốn làm gì. Đôi lúc là đập đồ, đuổi đánh bệnh nhân khác, thậm chí là đuổi đánh cả Bác sĩ, Điều dưỡng viên, có khi lại trốn ra ngoài bệnh viện gây sự với người đi đường, hoặc đòi tự tử, tìm tới cái chết.
Với các bệnh nhân không có người nhà thăm nom, tâm lý ở bệnh viện vốn đã ngột ngạt, trầm uất, lại thêm tủi thân, bức bối, dễ dẫn tới hành động khôn lường. Những khi người bệnh lên cơn thì phải có tới 5-7 Điều dưỡng khoẻ mạnh cùng lúc đuổi bắt mới khống chế được. Có những bệnh nhân trốn khỏi viện giữa đêm khiến bác sĩ, Điều dưỡng viên lại phải huy động nhau đi tìm.
Chuyện bệnh nhân bị trầm cảm tự tử xảy ra như cơm bữa. Có những người trước đó vài phút còn vui vẻ, trông như người bệnh bình thường, nhưng chỉ rời đi một lát họ đã nối áo nối quần thắt cổ tự tử. Nói về những trường hợp như vậy, Thu Trang chỉ biết lắc đầu vì đôi lúc chỉ biết nhìn người bệnh ra đi mà không thể cứu được.
Lại nói chuyện Điều dưỡng bị bệnh nhân hành hung, người trong ngành Điều dưỡng vẫn chưa thôi ám ảnh từ vụ việc điều dưỡng viên nam bị người tâm thần “thiêu sống” năm 2015.
Khoảng 19h ngày 12/7 một bệnh nhân tâm thần của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang trốn ra đòi phỏng hoả đốt nhà. Khi ấy, vừa trở về bên gia đình nhỏ, Điều dưỡng Võ Văn Đấu nhận được cuộc gọi từ bệnh viện đề nghị đi “bắt” bệnh nhân cùng với hai điều dưỡng khác. Trong lúc giằng co, khống chế người bệnh, Điều dưỡng Đấu bị bệnh nhân tạt xăng vào người, bén hơi lửa, người anh bị bỏng nặng 70% và sau đó đã qua đời.
Câu chuyện này đã khiến nhiều người bàng hoàng về mối hiểm nguy rình rập Điều dưỡng viên bệnh viện Tâm thần bất cứ lúc nào. Lúc bấy giờ, người ta mới nhìn nhận công lao và những hy sinh thầm lặng mà họ phải trải qua.