Nghị luận xã hội là một dạng bài tập phổ biến trong các đề thi THPT quốc gia, tuy nhiên nhiều thí sinh bỏ lỡ rất đáng tiếc 2 điểm mà không thể khai thác hết.
- Tổng hợp những lỗi thường gặp khi làm hồ sơ thi thpt quốc gia 2019
- Công bố địa điểm nhận hồ sơ thi thpt quốc gia cho thí sinh tự do
- Thí sinh chưa tốt nghiệp phải đăng ký tại nơi học lớp 12
Dưới đây ban biên tập sẽ giúp thí sinh nhận diện câu nghị luận xã hội để đạt điểm tối đa cho kỳ thi thpt quốc gia sắp tới cũng như các em lấy bài thi Ngữ văn để xét vào các trường Đại học.
Bắt bài 5 bí kíp thần thánh nuốt trọn 2 điểm câu Nghị luận xã hội
Phương pháp học tập tốt nhất
– Chúng ta hãy rèn luyện phân tích một vấn đề nào đó hay có thể nói là “chẻ” nhỏ vấn đề mỗi ngày. Trước những sự việc hay một câu nói, hành động của ai đó hãy luôn cố gắng phân tích vấn đề đó bằng tất cả khả năng mình có.
– Thường xuyên cập nhật thông tin mới trong ngày, đặc biệt là các chương trình thời sự. Vì đó là chuyên mục cung cấp hầu hết các tin mới và nổi bật trong ngày hôm đó.
– Tập trung nhớ và cố gắng hiểu ý nghĩa của những câu nói, danh ngôn, ca dao, tục ngữ.
– Tham khảo nhiều sách liên quan đến vấn đề đang bàn và thực hiện phân tích chúng.
Tư tưởng đạo lý
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý liên quan đến các vấn đề nhận thức, lối sống, quan hệ gia đình – xã hội,… chẳng hạn như: nghị luận về tư tưởng cây ngay không sợ chết đứng, chết vinh còn hơn sống nhục,…
– Dấu hiệu nhận biết: đó là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những trích dẫn, danh ngôn của những người nổi tiếng.
– Sau khi xác định được đề bài thì cần xác định từ chủ đạo trong tư tưởng đó và giải thích được các từ đó.
– Chúng ta phải đưa ra nhận định của mình về vấn đề đó là đúng hay hay hay chưa hoàn toàn đúng.
– Tiếp đó, ta dùng lời lẽ và dẫn chứng để chứng minh cho nhận định theo nhận định ban đầu ta đưa ra. Điều quan trọng để bài viết được sự tâm đắc của người chấm là phải liên hệ với thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm.
Hiện tượng đời sống
– Nghị luận về một hiện tượng đời sống là dạng bài nghị luận đề cập đến các vấn đề của cuộc sống xung quanh như: bạo lực học đường, lối sống của giới trẻ hiện nay, tình hình biển Đông, an toàn giao thông,…
– Dạng bài tập này thường được hỏi trong các đề thi THPT và kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm.
Một số lưu ý khi làm bài:
+ Nêu lên hiện tượng trong đời sống, hiện tượng này có phổ biến hay không?
+ Phân tích, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục.
+ Lấy dẫn chứng để chứng minh cho hiện tượng đó và liên hệ thực tiễn và bản thân.
+ Rút ra bài học và phê phán những hành vi sai trái.
Lập dàn ý – Mở bài
Khi lập dàn ý cho dạng bài nghị luận xã hội ta cũng thực hiện tương tự như viết một bài văn bao gồm 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài.
Phần mở bài: Cần giới thiệu về nghị luận xã hội. Có thể sử dụng cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp vấn đề. Mở bài nên viết ngắn gọn, đúng trọng tâm và lôi cuốn người đọc. “Đầu xuôi đuôi lọt” vì vậy mà mở bài đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nó góp phần tạo thiện cảm cho người đọc, người nghe. Khi mở bài lôi cuốn người đọc thì bài viết đó sẽ nhận được nhiều sự ưu ái hơn khi cho điểm hay còn gọi là “Lấy lòng Ban giám khảo”.
Thân bài – Kết bài
– Thân bài: nên chia nhỏ luận điểm dựa vào phần phương pháp làm bài ở trên để có một bài viết đủ ý và sắc bén. Phần thân bài là nội dung chính của bài viết. Tuy nhiên, trong phần thân bài quan trọng là việc đưa ra được các luận điểm, lấy dẫn chứng và lí lẽ để phân tích chứng minh cho luận điểm đó. Hành văn cần logic mạch lạc và không cần thiết phải quá mỹ miều.
– Kết bài: là phần chốt lại nhận định của vấn đề, khẳng định vấn đề và liên hệ bản thân. Phần kết bài không nên viết quá dài dòng tránh lan man. Tuy nhiên phải đủ ý và “không cụt” để tránh tình trạng bài văn đang trong mạch cảm xúc thì bị dừng lại.