Thứ Hai – Chủ Nhật: 7:00 – 18:00

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì? Ý nghĩa và quy trình thực hiện

Khám sức khỏe tiền hôn nhân có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với các cặp đôi dự định kết hôn. Để hiểu rõ khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì, ý nghĩa của nó cũng như quy trình thực hiện, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!

1. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân, hay còn gọi là khám sức khỏe trước khi kết hôn, là dịch vụ kiểm tra sức khỏe dành cho các cặp đôi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân và có dự định sinh con trong tương lai. Trong quá trình này, cả hai sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát, sau đó thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe cá nhân và phát hiện những bất thường tiềm ẩn. Từ đó, có thể can thiệp kịp thời để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ xây dựng một gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc.

<center><em>Khám tiền hôn nhân giúp các cặp đôi bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin và hạnh phúc</em></center>
Khám tiền hôn nhân giúp các cặp đôi bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin và hạnh phúc

2. Tại sao các cặp đôi nên khám sức khỏe trước khi kết hôn?

Dưới đây là 5 lý do tại sao các cặp đôi nên thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ban cố vấn truyền thông Cao đẳng Y Dược TPHCM – trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cập nhật và chia sẻ:

  • Xây dựng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc

Thông qua việc thăm khám sức khỏe, các cặp đôi có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và đối phương. Bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp để duy trì cơ thể khỏe mạnh, đồng thời chỉ ra những yếu tố có hại ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, giúp các cặp đôi chủ động phòng ngừa. Tất cả những điều này sẽ tạo nền tảng cho một gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc.

  • Phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện và điều trị triệt để các bệnh lây qua đường tình dục, từ đó không chỉ tránh được các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến bao gồm lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan, HIV/AIDS,…

  • Đảm bảo thai kỳ an toàn, em bé khỏe mạnh

Một lý do quan trọng khác của khám sức khỏe tiền hôn nhân là ngăn ngừa các rối loạn di truyền, đảm bảo em bé sinh ra khỏe mạnh, không mắc phải các hội chứng và bệnh lý bẩm sinh như bệnh Thalassemia, bệnh máu khó đông, hay bệnh hồng cầu hình liềm. Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ nhận biết được những nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ để có thể chủ động phòng ngừa khi lên kế hoạch mang thai, giúp thai kỳ an toàn và thuận lợi.

  • Hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình

Điều này rất quan trọng đối với những cặp đôi có ý định kết hôn nhưng chưa lên kế hoạch mang thai. Lúc này, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp với tình trạng sức khỏe và mong muốn cá nhân của từng người. Việc này giúp giảm thiểu nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và tránh lạm dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp, vì điều này có thể gây rối loạn kinh nguyệt, suy buồng trứng và làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.

  • Tiết kiệm thời gian và chi phí

Nếu trong quá trình khám phát hiện bất thường về sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị ở giai đoạn sớm nhất, giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo tỷ lệ hồi phục cao. Nhờ đó, các cặp đôi có thể tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

3. Quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân

Ngoài việc thắc mắc khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì, nhiều người cũng không rõ quy trình khám diễn ra như thế nào. Thông thường, cả hai sẽ được khám sức khỏe tổng quát trước, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe sinh sản thông qua nhiều xét nghiệm và thăm dò chức năng quan trọng.

<center><em>Sàng lọc di truyền giúp dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai</em></center>
Sàng lọc di truyền giúp dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai

Cô Trương Thị Thanh Nga, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết các bước trong khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm:

  • Khám sức khỏe tổng quát

Quy trình này bao gồm khám lâm sàng (đo các chỉ số thể lực), thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, siêu âm vú, siêu âm tuyến giáp, và điện tâm đồ,….

  • Khám sức khỏe sinh sản

Đây là bước rất quan trọng trong quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đối với nam giới, bác sĩ sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục và thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo, xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục, siêu âm tinh hoàn,…

Đối với nữ giới, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa, siêu âm đầu dò âm đạo, xét nghiệm dịch âm đạo, sàng lọc ung thư cổ tử cung, và xét nghiệm nội tiết tố. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn về các loại vắc xin cần tiêm trước khi mang thai. Nếu chưa có kế hoạch sinh con, bác sĩ sẽ hướng dẫn những biện pháp hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình.

  • Tư vấn kết quả

Kết quả khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng sẽ là cơ sở để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của cặp đôi, từ đó đưa ra các tư vấn và hướng dẫn phù hợp. Nếu có vấn đề về sức khỏe ở một trong hai người hoặc cả hai, bác sĩ sẽ đề xuất phác đồ điều trị và những điều chỉnh cần thiết trong sinh hoạt để cải thiện tình trạng sức khỏe.

4. Những điều cần lưu ý khi đi khám

Các cặp đôi nên tiến hành kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân từ 1 đến 6 tháng trước ngày cưới. Ngoài ra, cần chú ý đến những điểm quan trọng sau đây:

  • Nên nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi khám, không ăn sáng và nên đi khám vào buổi sáng để thuận lợi cho việc lấy mẫu máu và nước tiểu.
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích. Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy thông báo cho bác sĩ.
  • Đảm bảo vệ sinh cơ thể sạch sẽ và mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để việc thăm khám được thuận lợi hơn.
  • Phụ nữ không nên đi khám trong thời gian hành kinh để tránh ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra. Trong 2-3 ngày trước khi khám, không thụt rửa hay đặt thuốc âm đạo và tránh quan hệ tình dục.
  • Nếu nữ giới đã trên 21 tuổi và đã quan hệ tình dục, nên chọn gói khám có dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung.
  • Sắp xếp thời gian khám, dự kiến từ 4 đến 8 tiếng.  Đồng thời, chuẩn bị chi phí khám, khoảng từ 2.000.000 VNĐ trở lên.

Nguồn: Tin y tế – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC PASTEUR TUYỂN SINH TPHCM

VPTS - ĐT Quận Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 – 09.6295.6295
VPTS - ĐT Quận Bình Tân: 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Gặp Tư vấn

Top