Tóc bạc sớm không chỉ do tuổi tác mà còn có thể liên quan đến sức khỏe. Điều này ảnh hưởng đến sự tự tin về ngoại hình. Dưới đây là các nguyên nhân và cách khắc phục tóc bạc sớm tại nhà, giúp bạn cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả.
- Phương pháp lựa chọn vitamin và thực phẩm bổ sung hiệu quả, an toàn
- Bao nhiêu protein là đủ cho cơ thể?
- Uống nhiều viên C sủi có thể dẫn đến nguy cơ gây sỏi thận?
1. Nguyên nhân tóc bạc sớm
Tóc thường bắt đầu bạc sau tuổi 40, nhưng không ít người gặp phải tình trạng này từ độ tuổi 20 hoặc 30, được gọi là tóc bạc sớm. Dưới đây Dược sĩ, giảng viên tại trường Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này:
Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người bạc tóc sớm, khả năng thế hệ sau cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Gen quyết định màu tóc có thể bị biến đổi, làm tóc mất sắc tố melanin sớm hơn.
Thiếu hụt dinh dưỡng: Chế độ ăn uống thiếu các chất dinh dưỡng như vitamin B12, D, đồng, sắt… sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc, làm giảm sản xuất melanin – chất tạo màu cho tóc, gây bạc tóc.
Stress và căng thẳng: Tình trạng căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản xuất nhiều cortisol, làm rối loạn quá trình sản xuất melanin, khiến tóc nhanh chóng bị mất màu.
Rối loạn hormone: Sự thay đổi nội tiết, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc sau sinh, có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sắc tố cho tóc, gây bạc tóc.
Bệnh lý tuyến giáp: Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều tiết hormone và quá trình phát triển tóc. Người bị các bệnh lý như cường giáp hoặc suy giáp có nguy cơ cao bị tóc bạc sớm.
2. Cách khắc phục tình trạng tóc bạc sớm
2.1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Như đã đề cập, một trong những nguyên nhân chính gây tóc bạc sớm là do thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu. Do đó, cung cấp đủ dinh dưỡng cho tóc là rất quan trọng khi xuất hiện dấu hiệu bạc sớm.
Đối với những người gặp tình trạng tóc bạc sớm, nên chú ý bổ sung các dưỡng chất sau:
Vitamin B12: Có trong sữa, thịt đỏ, cá và trứng, giúp kích thích sản sinh tế bào máu và duy trì sức khỏe cho tóc.
Kẽm và sắt: Nguồn từ hải sản, thịt đỏ và rau xanh lá, giúp tăng cường lưu thông máu đến da đầu, nhờ đó tóc sẽ khỏe mạnh và giữ được màu sắc tự nhiên.
Đồng: Có trong hạnh nhân, các loại đậu và hải sản, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất melanin cho tóc.
Biotin: Tìm thấy trong rau củ, trứng và hạnh nhân, giúp tóc chắc khỏe và làm chậm quá trình bạc tóc.
2.2. Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài làm cơ thể sản xuất hormone cortisol, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của nang tóc và tăng nguy cơ bạc tóc sớm. Để giảm thiểu vấn đề này, bạn nên tham gia các hoạt động thư giãn như thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc và đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng.
2.3. Chăm sóc tóc đúng cách
Việc sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp hoặc lạm dụng hóa chất có thể gây tổn hại cho tóc, dẫn đến tình trạng bạc sớm. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu bạc tóc, bạn cần chú ý:
Lựa chọn dầu gội và dầu xả tự nhiên, tránh các thành phần tẩy rửa mạnh có thể làm ảnh hưởng đến màu tóc.
Giảm thiểu việc sấy khô hoặc tạo kiểu tóc ở nhiệt độ cao, vì điều này có thể làm hỏng cấu trúc tóc, khiến tóc trở nên xơ yếu và bạc nhanh hơn.
Thực hiện massage da đầu hàng ngày để kích thích tuần hoàn máu, giúp tóc chắc khỏe và giảm thiểu tình trạng bạc sớm.
2.4. Sử dụng thảo dược tự nhiên
Cô Hoàng Duyên, giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết: Một số thảo dược thiên nhiên có thể giúp cải thiện tình trạng tóc bạc sớm, mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe tóc của bạn.
Hà thủ ô: Trong y học cổ truyền, hà thủ ô được biết đến với công dụng bổ máu và kích thích sản sinh melanin, giúp tóc trở lại màu đen tự nhiên. Bạn có thể nấu hà thủ ô với đậu đen để làm nước uống, không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn hỗ trợ cải thiện tình trạng tóc bạc. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc đông y để xác định liều lượng phù hợp, tránh việc dùng quá liều có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.
Nhân sâm: Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, nhân sâm có khả năng bảo vệ nang tóc khỏi các gốc tự do và đồng thời thúc đẩy sản xuất melanin, giúp làm chậm quá trình bạc tóc. Nhân sâm có thể được sử dụng dưới dạng trà hoặc kết hợp vào dầu gội để chăm sóc tóc hàng ngày.
Cỏ mực: Chứa các thành phần như Ecliptasaponin và wedelolactone, cỏ mực giúp gia tăng sản xuất melanin, giữ cho màu tóc tự nhiên và làm giảm tình trạng bạc sớm. Bạn có thể sử dụng cỏ mực bằng cách nấu nước uống hoặc gội đầu 2-3 lần mỗi tuần.
Dầu mè: Là loại dầu tự nhiên giàu vitamin E và chất chống oxy hóa, dầu mè có khả năng nuôi dưỡng tóc từ bên trong, giúp ngăn ngừa tóc bạc. Bạn nên thoa dầu mè lên tóc và da đầu, massage nhẹ nhàng trong 10-15 phút trước khi gội sạch. Sử dụng 2 lần mỗi tuần để cải thiện chất lượng tóc.
Nếu bạn đã thử các biện pháp trên mà tình trạng tóc bạc vẫn không cải thiện, hoặc nếu kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sút cân, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra cần thiết để xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Nguồn: Tin y tế – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur