Lansoprazole là thuốc làm giảm lượng acid trong dạ dày. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bênh lý về dạ dày, tá tràng và thực quản như ợ nóng, ợ chua, loét dạ dày, ngăn ngừa nguy cơ ung thư thực quản.
- Người khỏi Covid-19 cần làm gì để cải thiện chức năng phổi?
- Tìm hiểu công dụng và cách sử dụng thuốc Tylenol
- Điểm mặt những lý do khiến nhà thuốc kinh doanh dễ thất bại
Thuốc Lansoprazole
1. Lansoprazole là thuốc gì?
Dược sĩ Cao đẳng Dược TPHCM cho biết Lansoprazole là thuốc ức chế dạ dày tiết acid thông qua cơ chế ức chế hệ thống enzyme H+- K+- ATPase (còn gọi ức chế bơm proton) tại bề mặt tiết của tế bào thành dạ dày, ức chế bơm acid dạ dày do khóa bước cuối cùng của quá trình sản sinh acid, ngăn cản quá trình bài tiết acid vào lòng dạ dày. Tác dụng ức chế bài tiết acid dạ dày lúc bình thường khi bị kích thích và ngay cả khi có bất kỳ tác nhân nào kích thích sự bài tiết acid.
Mức độ ức chế tiết acid dạ dày của Lansoprazole liên quan đến liều dùng và thời gian điều trị sau khi sử dụng bằng đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch Lansoprazole 30mg/ngày trong 7 ngày ở người khỏe mạnh.
Lansoprazole có thể loại trừ được vi khuẩn Helicobacteria pylori gây loét dạ dày hoặc tá tràng ở người. Nếu phối hợp với 1 hoặc nhiều thuốc chống nhiễm khuẩn (như Amoxicilin, Clarithromycin) Lansoprazole có hiệu quả tiệt trừ nhiễm H. pylori.
2. Dạng thuốc và hàm lượng của Lansoprazole?
Lansoprazole được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là
Viên nang cứng 30mg
Viên nang giải phóng chậm (chứa vi hạt bao tan trong ruột): 15mg, 30mg.
Viên nén phân tán: 15 mg, 30 mg.
Brand name:
Biệt dược Generic: Lasoprol, Lansoprazole Delayed-Release Capsules, Nefian, Lans OD, Lucip, Lansec, Bivilans, Lancid, Lanzadon, Lanazol, Lastro, Lancap, Lansoprazol Imexpharm, pms-Lansoprazol, Lansoprazol Khapharco, Metopar, Prazex, Savi Lansoprazole, Lanprasol, TV. Lansoprazol, Langamax, Lazocolic, Lantota, Lanzonium, Lansoprazol Domesco, Lantazolin, Lansoprazol STADA, Lansoprazole STELLA, Langast, Lanmebi, Lezovar, Lanlife, Gastevin, Lansoprazol Cinfa, Scolanzo, Artlanzo, Lansomac, Lansotrent, Lamozile, Milanmac , Zapra, Lansoprazole, Mirazole, Synpraz, Lantrizon, Lansolek, Lanspro, capsules, Lanzee, Nadylanzol, Lansoprazol Ftpharma, Agi-Lanso, Cadilanso.
3. Thuốc Lansoprazole được dùng cho những trường hợp nào?
Thuốc Lansoprazole được dùng cho những trường hợp sau:
Điều trị loét dạ dày, tá tràng.
Điều trị và dự phòng các triệu chứng của trào ngược dạ dày – thực quản.
Điều trị và dự phòng đau loét dạ dày do căng thẳng lâu ngày.
Điều trị loét dạ dày, tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacteria pylori.
Điều trị viêm thực quản có trợt loét ở bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản. Thời gian dùng liên tục tới 8 tuần.
Điều trị và dự phòng viêm loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid.
Điều trị các triệu chứng tăng tiết toan bệnh lý như hội chứng Zollinger – Ellison, tăng dưỡng bào toàn thân, u đa tuyến nội tiết.
4. Cách dùng – Liều lượng của Lansoprazole?
Cách dùng:
Giảng viên văn bằng 2 Cao đẳng Dược chia sẻ thuốc Lansoprazole dạng viên được dùng bằng đường uống với nước lọc, trước bữa ăn khoảng 30 – 60 phút. Uống cả nguyên viên thuốc, không được cắn vở hoặc nhai viên thuốc.
Liều dùng đường uống cho người lớn
Loét dạ dày thực quản: Liều 30mg/lần/ngày, uống trước ăn sáng 30 phút, dùng trong 4 đến 8 tuần.
Loét tá tràng: Liều 30mg/lần/ngày, uống trước ăn sáng 30 phút, dùng trong 4 tuần hoặc đến khi khỏi bệnh.
Trào ngược dạ dày – thực quản: Liều 15mg/lần/ngày, có thể tăng liều đến 30 mg/ngày nếu cần thiết, dùng trong 4 – 8 tuần.
Hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu 60mg/ lần/ngày, uống vào buổi sáng trước bữa ăn. Sau đó, điều chỉnh liều theo sự dung nạp và mức độ triệu chứng cần thiết để đủ ức chế tiết acid dịch vị và tiếp tục dùng cho đến khi kết quả điều trị.
Viêm thực quản có trợt loét ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Liều thường dùng 15 – 30 mg/1 lần/ngày, dùng trong 4 – 8 tuần. Liều duy trì sau chữa khỏi viêm thực quản trợt loét để giảm tái phát: 15 mg/lần/ngày.
Điều trị loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid: Liều 30mg/lần/ngày, uống trước ăn 30 phút vào buổi sáng, dùng trong 8 tuần.
Dự phòng loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid: Liều thường dùng 15 mg/lần/ngày, dùng cho tới 12 tuần.
Điều trị loét dạ dày, tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacteria pylori: Dùng phối hợp với Amoxicillin và Clarithromycin
Phối hợp 3 thuốc: 30 mg Lansoprazole + 1 g Amoxicillin và 500 mg Clarithromycin, dùng 2 lần/ngày, cách nhau 12 giờ, dùng liên tục trong 10 đến 14 ngày. Uống trước bữa ăn sáng và tối cho cả 3 loại thuốc.
Phối hợp 2 thuốc: 30 mg Lansoprazole + 1 g Amoxicilin, dùng 3 lần/ngày, dùng liên tục trong 14 ngày. Uống trước bữa ăn cho cả 2 loại thuốc.
Điều trị loét dạ dày, tá tràng có suy gan: Cần điều chỉnh liều cho người có bệnh gan nặng. Cần giảm liều theo tình trạng bệnh nhưng không được vượt quá 30 mg/ngày.
Điều trị loét dạ dày, tá tràng có suy thận: Dược động học của Lansoprazole có thể thay đổi, nhưng không cần phải chỉnh liều thuốc.
Tuy nhiên, ở người có hệ số thanh thải creatinin < 30 ml/phút, khuyến cáo không nên dùng gói chứa Lansoprazol, Amoxicillin và Clarithromycin. Liều dùng đường uống cho trẻ em Trào ngược dạ dày thực quản: Trẻ 1 – 11 tuổi, cân nặng ≤ 30 kg: Liều 15 mg/lần/ngày, dùng cho tới 12 tuần; Trẻ dưới 11 tuổi, cân nặng > 30 kg: Liều 30 mg/lần/ngày,dùng trong 12 tuần.
Trẻ 12 – 17 tuổi, nếu không có loét: Liều 15 mg/làn/ngày, dùng cho tới 8 tuần. Nếu có loét: Liều 30 mg/lần/ngày, dùng cho tới 8 tuần.
Tóm lại, tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng cụ thể, cách dùng thuốc và liệu trình điều trị để đảm bảo an toàn và đạt lợi ích tốt nhất.
Thuốc Lansoprazole
5. Cách xử lý nếu quên liều thuốc Lansoprazole?
Nếu người bệnh quên một liều Lansoprazole nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng giờ đã lên kế hoạch điều trị.
6. Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Lansoprazole?
Khi người bệnh dùng quá liều Lansoprazole có biểu hiệu lâm sàng như hạ thân nhiệt, an thần, co giật, giảm tần số hô hấp.
Xử trí, nếu người bệnh có bất kỳ triẹu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị triệu chứng. Đồng thời dùng biện pháp thích hợp để loại thuốc ra khỏi đường tiêu hóa.
7. Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Lansoprazole?
Thuốc Lansoprazole không được dùng cho những trương hợp sau:
Người có tiền sử mẫn cảm với Lansoprazole hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai 3 tháng đầu.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Lansoprazole cho những trường hợp sau:
Thuốc Lansoprazole có thể che lấp các triệu chứng và làm khó phát hiện bệnh ung thư. Trước khi dùng thuốc Lansoprazole hoặc các thuốc ức chế bơm proton khác, người bệnh phải được chẩn đoán loại trừ các tình trạng bị ung thư dạ dày, thực quản.
Người có tiền sử suy gan, cần giảm liều và theo dõi chưac năng với người bị bệnh gan.
Lansoprazole có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn như Salmonella, Campylobacter và đặc biệt ở bệnh nhân nhập viện có nhiễm Clostridium difficile.
Lansoprazole có thể làm hạ kali máu nghiêm trọng khi dùng trong ít nhất ba tháng và trong hầu hết các trường hợp là một năm.
Lansoprazole có thể làm hạ hạ canxi máu gây ra biểu hiện nghiêm trọng và có thể xuất hiện âm thầm như mệt mỏi, co giật, mê sảng, co giật, chóng mặt và loạn nhịp thất.
Càn thận trọng đối với những bệnh nhân dự kiến sẽ điều trị kéo dài hoặc những người dùng PPI với Digoxin hoặc các sản phẩm thuốc có thể gây hạ kali máu như thuốc lợi tiểu mất kali, theo dõi và định kỳ kiểm tra nồng dộ kali trong máu trong quá trình điều trị.
Ngừng điều trị thuốc Lansoprazole trong trường hợp tiêu chảy nặng và/hoặc kéo dài.
Người có xuất huyết tiêu hóa trước đó, thủng hoặc loét, tuổi cao: Không nên dùng thuốc Lansoprazole điều trị để ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng khi bệnh nhân cần điều trị NSAID liên tục.
Lưu ý với phụ nữ có thai, chưa có dữ liệu nghiên cứu đầy đủ khi dùng Lansoprazole trên người trong thời kỳ mang thai. Khuyến cáo không sử dụng Lansoprazole trong thời kỳ mang thai.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Lansoprazole có phân bố vào sữa mẹ. Khuyến coa không dùng thuốc Lansoprazole với người mẹ đang cho con bú.
Cần thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc, vì thuốc Lansoprazole có thể gây ra tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, chóng mặt.
8. Thuốc Lansoprazole gây ra các tác dụng phụ nào?
Thương gặp: Đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, khó tiêu, phát ban da.
Ít gặp: Mệt mỏi, tăng enzym gan, tăng mức gastrin huyết thanh, hematocrit, hemoglobin, acid uric và protein niệu.
Hiếm gặp: Bồn chồn, chóng mặt, dị cảm, buồn ngủ, run, mất ngủ, ảo giác, lú lẫn, thiếu máu, rối loạn vị giác, viêm gan, vàng da, rối loạn thị giác, viêm bao quy đầu, nhiễm nấm Candida thực quản, viêm tụy, ban xuất huyết, rụng tóc, hồng ban đa dạng, nhạy cảm với ánh sáng.
Trong quá trình sử dụng thuốc Lansoprazole, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Lansoprazole thì cần tham khảo ý kiến hướng dẫn chuyên gia y tế tư vấn để xử trí kịp thời.
Thuốc Lansoprazole
9. Lansoprazole tương tác với các thuốc và thực phẩm nào?
Itraconazol, ketonazol: Lansoprazole làm giảm tác dụng của Ketoconazol, Itraconazol khi chúng được kết hợp chung.
Sucralfat, thuốc kháng acid: Làm chậm và giảm hấp thu Lansoprazole khoảng 30% khi được dùng chung với nhau. Khắc phục, nên dùng Lansoprazole cách ít nhất 1 giờ sau khi dùng các thuốc này.
Thuốc ức chế protease HIV như Atazanavir, Nelfinavir: Khi sử dụng đồng thời với Lansoprazole, sẽ làm giảm sinh khả dụng ccacs thuốc ức chế protease HIV, vì sự hấp thu các thuốc này phụ thuộc vào pH có tính acid.
Digoxin: Dùng đồng thời với Lansoprazole sẽ làm tăng nồng độ Digoxin trong huyết tương, làm tăng độc tính của Digoxin trong máu.
Methotrexate: Sử dụng đồng thời Lansoprazole với Methotrexate liều cao có thể làm tăng và kéo dài nồng độ Methotrexate trong huyết tương và/hoặc tăng nồng độ chất chuyển hóa của nó, dẫn đến tăng độc tính của Methotrexate.
Tacrolimus, Theophyllin: Lansoprazole có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của các thuốc này khi chúng được kết hợp chung.
Fluoxamine: Làm tăng nồng độ Lansoprazol trong huyết tương khi được sử dụng chung.
Rifampicin: Rifampicin là chất gây cảm ứng enzym CYP2C19 và CYP3A4 ở gan, sẽ làm giảm nồng độ Lansoprazole trong huyết tương khi được dùng chung.
Tóm lại, tương tác thuốc với thuốc hay thuốc với thực phẩm hay rượu bia có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nặng hơn. Người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn và thông báo những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hay thực phẩm, đồ uống có nguy cơ để sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đạt lợi ích trong điều trị.
10. Bảo quản Lansoprazole như thế nào?
Lansoprazole được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản thích hợp là dưới 30°C, khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.
Nguồn caodangyduocpasteur.com.vn tổng hợp từ DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM
Tài liệu tham khảo:
1. Drugs.com: https://www.drugs.com/lansoprazole.html
2. MedlinePlus: https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a695020.html