Thứ Hai – Chủ Nhật: 7:00 – 18:00

Trẻ bị thủng màng nhĩ có thể tự lành không? Các bậc phụ huynh cần lưu ý điều gì?

Các vấn đề sức khỏe ở trẻ em luôn là nỗi lo lớn của các bậc phụ huynh, trong đó có tình trạng thủng màng nhĩ. Vậy liệu tình trạng này có gây nguy hiểm không? Trẻ bị thủng màng nhĩ có thể tự lành không?

1. Dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ em

Trước khi giải đáp câu hỏi “Thủng màng nhĩ ở trẻ em có tự hồi phục không?”, các chuyên gia sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Màng nhĩ là lớp màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Khi màng nhĩ bị thủng, việc truyền sóng âm đến tai giữa bị gián đoạn. Thêm vào đó, tình trạng này cũng tạo điều kiện cho bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa, gây ra nhiễm trùng.

Cha mẹ nên chú ý quan sát trẻ thường xuyên. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây, có thể là do thủng màng nhĩ:

Đau tai.

Dịch nhầy hoặc máu chảy từ tai.

Ngoài ra, trẻ có thể gặp thêm một số triệu chứng khác như sốt cao, chóng mặt, ù tai, nôn ói, v.v. Trẻ sơ sinh khi bị thủng màng nhĩ thường quấy khóc nhiều, từ chối bú, khó ngủ, và khóc vào ban đêm.

<center><em>Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị rách hoặc thủng</em></center>
Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị rách hoặc thủng

2. Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ

Có một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến thủng màng nhĩ. Bác sĩ, giảng viên tại trường Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ gồm:

Viêm tai giữa cấp khi có mủ vỡ: Thường xảy ra sau khi trẻ vượt qua giai đoạn viêm tai giữa cấp, lúc này màng nhĩ có thể bị thủng ở vị trí giữa hoặc phía dưới. Ban đầu, mủ thường loãng và nhầy, sau đặc lại thành mủ nhầy keo hoặc mủ trắng đặc. Các triệu chứng như sốt và đau tai của trẻ giảm dần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể chuyển sang viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm cấp, hoặc gây biến chứng nội sọ do tai.

Dị vật trong tai: Trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 3 tuổi, có thể bị thủng màng nhĩ khi côn trùng chui vào tai hoặc khi chúng nhét các vật nhỏ và sắc nhọn như que, ngòi bút vào tai trong lúc vui chơi.

Chấn thương vùng đầu: Một cú tát mạnh hoặc va chạm mạnh vào vùng mang tai có thể gây thủng màng nhĩ.

Thay đổi áp suất không khí: Những thay đổi đột ngột về áp suất không khí khi trẻ bơi lội, lặn sâu hoặc đi máy bay có thể tác động lên màng nhĩ và gây thủng.

Chấn thương do âm thanh mạnh: Tiếng súng, tiếng pháo nổ, hoặc tiếng động cơ mạnh có thể tạo ra cường độ âm thanh đủ lớn để làm thủng màng nhĩ.

3. Thủng màng nhĩ ở trẻ em có tự lành được không?

Về câu hỏi “thủng màng nhĩ ở trẻ em có thể tự hồi phục không?”, các chuyên gia cho rằng, khả năng lành của màng nhĩ phụ thuộc vào mức độ thủng, thời gian bị thủng và nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Trong những trường hợp thủng màng nhĩ đơn giản, nếu không có nhiễm trùng nghiêm trọng và không có tổn thương ở tai trong, màng nhĩ có thể tự hồi phục. Thời gian hồi phục có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp, nhưng nếu được điều trị kịp thời, màng nhĩ sẽ lành trong khoảng 2 đến 4 tuần. Ngược lại, nếu có nhiễm trùng tai giữa hoặc ảnh hưởng đến tai trong, tình trạng nhiễm trùng lan rộng, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn và trẻ cần tuân thủ theo phác đồ điều trị.

Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

Suy giảm hoặc mất thính lực.

Viêm tai giữa mạn tính: Khi màng nhĩ thủng, vi khuẩn và bụi bẩn dễ dàng xâm nhập vào tai giữa, gây viêm nhiễm kéo dài.

Cholesteatoma tai giữa: Biến chứng này có thể xảy ra khi tình trạng bệnh kéo dài, gây hủy hoại xương tai giữa và ảnh hưởng đến chức năng nghe.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ thủng màng nhĩ để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

<center><em>Trẻ bị thủng màng nhĩ có thể tự lành không</em></center>
Trẻ bị thủng màng nhĩ có thể tự lành không

4. Điều trị

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám và xác định nguyên nhân gây thủng màng nhĩ ở trẻ. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như kiểm tra thính lực, nội soi tai, làm sạch các bụi bẩn và tổ chức viêm, giúp bộc lộ rõ màng nhĩ để đánh giá mức độ thủng và các vấn đề liên quan khác. Điều dưỡng, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM chia sẻ cụ thể gồm:

4.1. Phương pháp chẩn đoán:

Nội soi tai mũi họng: Giúp xác định liệu màng nhĩ có bị thủng không và có kèm theo nhiễm trùng tai mũi họng không.

Thính lực đồ: Kiểm tra chức năng thính giác của trẻ.

Chụp CT: Phương pháp này thường áp dụng cho những trường hợp thủng màng nhĩ rộng hoặc lâu ngày, giúp phát hiện tổn thương tai trong, tình trạng viêm nhiễm có lan rộng hay không và có xuất hiện cholesteatoma không.

4.2. Các phương pháp điều trị thủng màng nhĩ:

Điều trị nội khoa: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai để kháng viêm và kháng sinh, giúp điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng tai giữa. Cha mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Làm thuốc tai: Bác sĩ sẽ rửa tai bằng các dung dịch sát khuẩn, loại bỏ tổ chức viêm và dị vật, giúp bộc lộ rõ màng nhĩ, giữ tai khô, rút ngắn thời gian lành vết thủng.

Nội soi vá nhĩ: Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp thủng màng nhĩ kèm viêm tai giữa mạn tính tái phát. Sau khi điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật vá nhĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng kéo dài và hạn chế nguy cơ mất thính lực.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi “thủng màng nhĩ ở trẻ em có thể tự hồi phục không”. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần nhớ rằng tình trạng bệnh của mỗi trẻ có sự khác biệt, do đó thời gian hồi phục cũng không giống nhau.

Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, bạn nên đưa trẻ đi khám kịp thời để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp giúp màng nhĩ nhanh chóng hồi phục.

Nguồn: Tin y tế – trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC PASTEUR TUYỂN SINH TPHCM

VPTS - ĐT Quận Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 – 09.6295.6295
VPTS - ĐT Quận Bình Tân: 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Gặp Tư vấn

Top