Thiếu máu ở trẻ em, đặc biệt do dinh dưỡng, thường không được phát hiện sớm. Hiểu các chỉ số và phương pháp chẩn đoán giúp phụ huynh can thiệp kịp thời, ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
- Trẻ bị thủng màng nhĩ có thể tự lành không? Các bậc phụ huynh cần lưu ý điều gì?
- Cách khắc phục rối loạn điều tiết mắt để duy trì sức khỏe thị lực
- 5 nguy cơ tiềm ẩn khi cho trẻ sử dụng thực phẩm bổ sung
1. Đánh giá thiếu máu ở trẻ em theo tiêu chuẩn của WHO
Theo WHO, thiếu máu được xác định khi chỉ số hemoglobin (Hb) giảm. Tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu là khi chỉ số Hb thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với nhóm trẻ cùng độ tuổi, giới tính và điều kiện sống. Các mức độ thiếu máu theo độ tuổi bác sĩ, giảng viên tại trường Cao đẳng Y Dược TPHCM bao gồm:
– Trẻ sơ sinh (đủ tháng):
- Hb bình thường: 13.5 – 18.5 (g/dL).
- Thiếu máu: Hb < 110 g/L hay 11.0 g/dL.
– Trẻ 2 – 6 tháng:
- Hb bình thường: 9.5 – 13.5 (g/dL).
- Thiếu máu: Hb < 9.5 g/dL (Hct 28%).
– Trẻ 6 tháng – 2 tuổi:
- Hb bình thường: 10.5 – 13.5 (g/dL).
- Thiếu máu: Hb < 11 g/dL (Hct 33%).
– Trẻ 2 – 6 tuổi:
- Hb bình thường: 11.0 – 14.4 (g/dL).
- Thiếu máu: Hb < 11.0 g/dL (Hct 33%).
– Trẻ 6 – 12 tuổi:
- Hb bình thường: 11.5 – 15.5 (g/dL).
- Thiếu máu: Hb < 11.5 g/dL (Hct 34%).
Bên cạnh đó, thiếu máu ở trẻ em thường liên quan đến thiếu dinh dưỡng, gây ra sự thay đổi ở một số yếu tố tạo máu, chẳng hạn như:
- Mức Ferritin giảm trong thiếu sắt.
- Mức Acid folic hoặc Vitamin B12 giảm.
- Suy giảm sản xuất tủy trong các bệnh liên quan đến suy tủy.
2. Chi tiết các chỉ số thiếu máu ở trẻ em
2.1. Chỉ số lượng hồng cầu RBC
Mỗi ngày, cơ thể sản sinh và thay thế khoảng 200 – 400 tỷ tế bào máu. Do đó, chỉ số RBC giúp đánh giá mức độ hồng cầu trong cơ thể, từ đó phát hiện sự bất thường. Chỉ số RBC thay đổi theo độ tuổi, cụ thể như sau với trẻ khỏe mạnh:
- Trẻ sơ sinh đủ tháng: RBC 4.5 – 6×10¹²/l
- Trẻ từ 6 – 12 tháng: RBC 3.5 x 10¹²/l
- Trẻ 2 tuổi: RBC ổn định ở mức 4 x 10¹²/l
Nếu chỉ số RBC thấp hơn mức bình thường, đó là dấu hiệu thiếu máu ở trẻ.
2.2. Chỉ số HCT
Chỉ số HCT đo lường tỷ lệ thể tích hồng cầu so với tổng thể tích máu. Ở trẻ khỏe mạnh, chỉ số HCT dao động từ 35 – 39%. Khi thiếu máu, chỉ số HCT sẽ giảm mạnh.
2.3. Chỉ số HgB
Chỉ số huyết sắc tố (HgB) cho biết lượng huyết sắc tố có trong máu. Kết hợp với hai chỉ số thiếu máu ở trẻ em đã đề cập, chỉ số này giúp đánh giá chính xác tình trạng thiếu máu của trẻ.
- HgB bình thường: 11g/dL.
- HgB > 10g/dL: Thiếu máu nhẹ, không cần truyền máu.
- HgB 8 – 10g/dL: Thiếu máu vừa, cần theo dõi để quyết định truyền máu.
- HgB 6 – 8g/dL: Thiếu máu nặng, cần truyền máu.
- HgB < 6g/dL: Thiếu máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, cần truyền máu cấp cứu ngay.
3. Các dấu hiệu thiếu máu ở trẻ em cha mẹ cần chú ý
Cha mẹ nên chú ý những dấu hiệu thiếu máu ở trẻ để kịp thời đưa con đi kiểm tra và chẩn đoán sớm. Dưới đây điều dưỡng, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM chia sẻ một số lời khuyên:
– Thiếu máu nhẹ:
- Trẻ cảm thấy mệt mỏi, ít vận động.
- Da tái, niêm mạc nhợt nhạt, đặc biệt ở môi và lòng bàn tay.
- Trẻ biếng ăn, tăng trưởng chậm.
– Thiếu máu nặng:
- Khó thở, tim đập nhanh.
- Giảm khả năng ghi nhớ, khó tập trung.
- Rụng tóc, móng tay dễ gãy.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu máu ở trẻ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, v.v.
4. Phương pháp chẩn đoán thiếu máu ở trẻ
Chẩn đoán thiếu máu ở trẻ em được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiếu máu.
Một số xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán thiếu máu ở trẻ em bao gồm:
– Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Kiểm tra các chỉ số HgB, RBC, HCT để kết luận về tình trạng thiếu máu và sử dụng chỉ số MCV để xác định loại thiếu máu.
– Xét nghiệm định lượng Ferritin: Đánh giá mức dự trữ sắt trong cơ thể. Chỉ số ferritin thấp có thể chỉ ra thiếu sắt, nguyên nhân phổ biến của thiếu máu ở trẻ.
– Xét nghiệm điện di hemoglobin: Phát hiện các bệnh lý di truyền như thalassemia hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm, những nguyên nhân gây thiếu máu di truyền ở trẻ.
– Xét nghiệm đo nồng độ vitamin B12 và axit folic: Xác định thiếu máu do chế độ dinh dưỡng không đủ.
Sau khi chẩn đoán, việc xác định nguyên nhân thiếu máu sẽ giúp xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp và theo dõi thường xuyên để đánh giá hiệu quả. Các xét nghiệm cần được lặp lại sau 1 – 2 tháng để kiểm tra sự phục hồi mức hemoglobin và đảm bảo thiếu máu đã được điều trị triệt để.
5. Cách phòng ngừa thiếu máu cho trẻ
Để giúp trẻ phòng tránh thiếu máu, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bổ sung chế độ ăn giàu sắt, bao gồm thịt đỏ, cá, trứng, rau lá xanh đậm, v.v.
- Cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là vitamin C để tăng cường khả năng hấp thụ sắt (nên tham khảo ý kiến bác sĩ).
- Tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
Cha mẹ không nên tự ý chẩn đoán hoặc điều trị thiếu máu cho trẻ tại nhà. Việc thực hiện các xét nghiệm và đánh giá chuyên môn là cần thiết để đảm bảo chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp. Khi thực hiện tốt các biện pháp này, nguy cơ thiếu máu sẽ được giảm thiểu, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Nếu phát hiện dấu hiệu thiếu máu, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và chẩn đoán kịp thời.
Nguồn: Tin y tế – trường Cao đẳng Y Dược Pasteur