Theo WHO, cứ bốn người thì có một người nhiễm giun, và giun có thể ký sinh ở cả trẻ em lẫn người lớn. Người lớn nên tẩy giun định kỳ bao lâu một lần, cần chú ý kiêng khem và điều gì? Những câu hỏi này sẽ được làm rõ ngay sau đây.
- Gemifloxacin: Thuốc điều trị nhiễm khuẩn và những lưu ý khi sử dụng
- Giúp trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ tại nhà
1. Tại sao người lớn cần tẩy giun?
Theo WHO, mỗi người Việt Nam trung bình có khoảng 8 con giun đũa, 17 con giun móc và 32 con giun tóc trong ruột. Những ký sinh trùng này hút dinh dưỡng và sinh sản hàng nghìn quả trứng mỗi ngày.
Người lớn có thể bị nhiễm giun sán qua việc tiêu thụ thực phẩm có chứa trứng giun, chẳng hạn như rau sống, thịt tái, thịt chua, và nem chua. Ngoài ra, việc uống nước chưa đun sôi cũng có thể đưa trứng giun vào cơ thể. Thói quen đi chân đất, vệ sinh kém, để móng tay dài và không rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với đất hoặc đồ vật nhiễm trứng giun cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ nhiễm giun sán.
2. Ảnh hưởng của giun sán đến sức khỏe của người lớn
Theo WHO, tình trạng nhiễm giun sán ở người lớn có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ban cố vấn truyền thông Cao đẳng Y Dược TPHCM – trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cập nhật và chia sẻ bao gồm:
Suy dinh dưỡng: Giun sán lấy đi các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể thu nhận từ thực phẩm.
Thiếu máu, thiếu sắt và đạm: Giun sán không chỉ hút máu mà còn ăn các mô của vật chủ. Ở trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhiễm giun móc có thể gây ra các vấn đề về sinh sản như sảy thai và suy dinh dưỡng bào thai do thiếu máu.
Vấn đề về thị lực: Nhiễm giun sán có thể gây mờ mắt, bệnh quáng gà, và giảm khả năng miễn dịch do thiếu hụt vitamin A.
Rối loạn tiêu hóa: Nhiễm giun tóc có thể dẫn đến đau thắt bụng, tiêu chảy và kiết lỵ. Trong trường hợp nghiêm trọng, số lượng giun lớn có thể gây tắc ruột, dẫn đến việc cần phải phẫu thuật.
Ngứa ngáy và mất ngủ: Giun có thể gây ngứa trên da, tạo cảm giác khó chịu, căng thẳng và mất ngủ, đặc biệt là vào ban đêm.
Theo CDC, một số trường hợp nhiễm giun lươn có thể gây ra viêm khớp, vấn đề về thận, và bệnh tim.
3. Tần suất tẩy giun cho người lớn theo khuyến nghị của WHO
Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành nên tẩy giun từ 1 đến 2 lần mỗi năm, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cao về nhiễm giun sán. Cụ thể như sau:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và không mang thai:
Tẩy giun 6 tháng – 12 tháng một lần nếu sống ở khu vực có nguy cơ nhiễm giun sán trên 20%.
Tẩy giun 6 tháng một lần nếu sống ở khu vực có nguy cơ nhiễm giun sán lớn hơn 50%.
Hai loại thuốc được khuyến cáo là Albendazole (400mg/lần) và Mebendazole (500mg/lần).
- Phụ nữ đang mang thai:
Phụ nữ trong thai kỳ được khuyên tẩy giun một lần duy nhất sau tháng thứ 4 của thai kỳ nếu sống ở khu vực có nguy cơ mắc giun sán trên 20% hoặc nơi có tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai hơn 20%.
Liều được khuyến nghị là Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg.
- Các đối tượng khác:
Nên tẩy giun định kỳ hàng năm hoặc mỗi 6 tháng với thuốc được khuyến nghị như Albendazole 400mg/lần và Mebendazole 500mg/lần.
Tuy nhiên, tần suất tẩy giun có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện vệ sinh và lối sống. Những người sống trong môi trường sạch sẽ và ít tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn có thể không cần tẩy giun thường xuyên.
4. Có cần kiêng gì khi uống thuốc tẩy giun không?
Theo thông tin từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, thuốc tẩy giun sán cho người lớn (như mebendazole) không bị ảnh hưởng hiệu quả khi dùng chung với sữa, nước ép, hay thực phẩm. Do đó, sau khi uống thuốc, bạn không cần phải kiêng ăn uống.
Bạn có thể sử dụng thuốc tẩy giun dưới dạng viên hoặc siro vào buổi sáng, buổi tối hoặc bất cứ thời điểm nào phù hợp. Các loại thuốc tẩy giun thế hệ mới hiện nay vẫn duy trì hiệu quả mà không phụ thuộc vào việc uống lúc đói hay no.
5. Gặp phản ứng phụ sau khi uống thuốc tẩy giun có sao không?
Dược sĩ, Nguyễn Hồng Diễm – Giảng viên tại Cao đẳng Dược TPHCM cho biết:
Thành phần trong thuốc tẩy giun có thể gây mẫn cảm cho một số người, dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, và cảm giác buồn nôn. Những biểu hiện này thường không nghiêm trọng và có thể tự biến mất theo thời gian.
Nếu gặp các triệu chứng này, người dùng nên nghỉ ngơi.
Nếu đã nghỉ ngơi mà triệu chứng không cải thiện và có dấu hiệu nặng thêm như đau đầu dữ dội, nôn mửa, hay tiêu chảy cấp, người dùng nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thông tin cần thiết về tần suất tẩy giun cho người lớn. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho việc khám và chữa bệnh. Người bệnh nên được tư vấn từ các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Nguồn: Tin y tế – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur