Nhiễm trùng máu hay nhiễm trùng huyết là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.
- Nguyên nhân và cách điều trị bạch cầu ở trẻ em
- Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ
- Những dấu hiệu sốt siêu vi ở người lớn bạn cần biết
Tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng máu
Bệnh nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu hay còn được gọi là nhiễm khuẩn huyết là sự có mặt của vi khuẩn hoặc vi nấm trong cơ thể người bệnh. Ngoài vi khuẩn và vi nấm còn có nhiễm trùng máu do virus tuy nhiên thực tế rất khó xác định nguyên nhân do virus. Nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn huyết rất đa dạng có thể nhiễm trùng đến từ một ổ nhiễm khuẩn khu trú như: Vết thương nhiễm khuẩn, ổ áp-xe, viêm phổi, viêm phúc mạc… hoặc do các thao tác y tế không đảm bảo vô khuẩn như: tiêm, truyền dịch, nhổ răng, sinh đẻ, phẫu thuật…
Tác nhân gây nên nhiễm khuẩn huyết rất đa dạng là vi khuẩn, vi nấm hay virus, thường gặp nhất là tác nhân do vi khuẩn. Trong đó nguy hiểm nhất là tác nhân nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng ( S.aureus), đặc biệt là loại tụ cầu kháng methicilin – MRSA. MRSA là loại tụ cầu ở trên da, bình thường chúng là vô hại nhưng nếu chúng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương sẽ xâm nhập vào máu và dễ gây nên nhiễm trùng máu.
Những nguy cơ dễ mắc bệnh:
- Bệnh có thể ảnh hưởng ở mọi lứa tuổi cả người lớn và trẻ nhỏ. |Tuy nhiên, người lớn hoặc người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng bị bệnh phổ biến với mức độ nguy hiểm nhiều hơn.
- Những người có bệnh nặng kèm theo.
- Những người có các vết thương hở, chưa lành như bỏng, dao khứa,…
- Những người đang phải sử dụng một số thiết bị xâm lấn như ống thở, bơm truyền tĩnh mạch…
Nhiễm trùng máu do vậy thường được đề cập tới như một biến chứng nặng của nhiều bệnh lý nhiễm trùng. Khi có nhiễm trùng huyết đáng chú ý nhất bởi tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân rất nặng, có nguy cơ tử vong nhanh do tình trạng sốc, suy đa tạng do độc tố của vi khuẩn gây nên.
Những xét nghiệm trong nhiễm trùng máu
Các triệu chứng thường gặp của bệnh
Triệu chứng gợi ý tới nhiễm trùng huyết thường xuất hiện trên nền một bệnh nhân có ổ nhiễm khuẩn như: Ổ áp xe, vết thương nhiễm khuẩn, nhọt ở dạ… bệnh nhân đột ngột xuất hiện sốt cao, rét run. Sốt với đặc điểm sốt rất dao động, có trường hợp sốt liên tục hoặc sốt thất thường không theo một quy luật nào và kèm theo đó là tình trạng đau mỏi khắp mình mẩy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như người già yếu, bệnh nhân suy kiệt, bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể không có sốt mà thậm chí còn hạ thân nhiệt. Triệu chứng thần kinh cũng bắt đầu xuất hiện với các biểu hiện như kích thích, mê sảng hoặc đôi khi lơ mơ, li bì. Rối loạn tuần hoàn hô hấp thể hiện với triệu chứng mạch nhanh nhỏ, không đều, huyết áp tụt kẹt, thở nhanh nông.
Hiện tượng xuất huyết cũng bắt đầu xuất hiện gây xuất huyết dưới da có thể quan sát thấy, hay xuất huyết nội tạng gây nôn ra máu, đi ngoài phân đen hay khạc đờm máu. Vì nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân do đó hậu quả để lại là hết sức nặng nề với thương tổn có thể xảy ra ở bất cứ hệ cơ quan nào trong cơ thể như: Gây viêm nội mạc mao quản, gan lách sưng to tạo thành các ổ nhiễm khuẩn, ổ áp-xe rải rác, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm tắc tĩnh mạch thứ phát, viêm màng não, suy thận cấp, viêm xương, viêm tủy xương… Để chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định: Công thức máu, cấy máu tìm vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để định hướng chọn kháng sinh điều trị hiệu quả.
Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả
Khi đã có chẩn đoán nhiễm trùng huyết cần có thái độ điều trị tích cực, kháng sinh thường được chỉ định sớm ngay khi nghĩ tới nhiễm khuẩn huyết. Kháng sinh lựa chọn theo kháng sinh đồ, kháng sinh liều cao, phối hợp kháng sinh, ưu tiên dùng đường tĩnh mạch để cho kể quả tốt nhất và nhanh nhất, dùng đủ thời gian. Nếu trong trường hợp bệnh quá trầm trọng bạn cần phải được hồi sức thật tốt: Thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch cân bằng nước và điện giải. Đồng thời các bác sĩ sẽ tiến hành lọc máu nếu bạn kèm theo bệnh suy thận cấp bằng việc sử dụng các thiết bị thay thế chức năng thận để loại bỏ những chất thải nguy hại, muối, nước dư từ máu ra khỏi cơ thể.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bạn còn phải phẫu thuật loại bỏ nguồn gốc gây nên bệnh nhiễm trùng máu như phẫu thuật hút mủ từ áp – xe hoặc loại bỏ mô nhiễm trùng. Đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối về dụng cụ, nhân viên y tế trong quá trình phẫu thuật và chăm sóc vết thương sau phẫu thuật.
Nguồn: caodangyduocpasteur.com.vn