Thứ Hai – Chủ Nhật: 7:00 – 18:00

Methyldopa: Thuốc điều trị tăng huyết áp và những lưu ý khi sử dụng

Methyldopa thuốc được sử dụng điều trị tăng huyết áp ở người suy thận, người mang thai, người suy tim trái với liều nhỏ vẫn có đáp ứng hiệu quả, an toàn và dung nạp tốt.

1. Methyldopa là thuốc gì?

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm – Giảng viên tại Cao đẳng dược tphcm cho biết:

Methyldopa là thuốc kích thích alpha-adrenergic. Khi thuốc đi vào hệ thần kinh trung ương thì chất chuyển hóa có hoạt tính của Methyldopa là alpha – methyl – noradrenaline, có tác dụng làm giảm trương lực giao cảm, làm giảm sức cản của mạch máu ngoại biên và kết quả làm giảm huyết áp. Thuốc Methyldopa làm hạ huyết áp một cách hiệu quả, an toàn ở cả tư thế đứng lẫn nằm và hiếm khi gây hạ huyết áp tư thế.

Methyldopa là thuốc điều trị cao huyết áp
Methyldopa là thuốc điều trị cao huyết áp

2. Dạng thuốc và hàm lượng của Methyldopa?

Methyldopa được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc:

  • Viên nén bao phim: 125 mg, 250 mg, 500 mg (dạng methyldopa)
  • Hỗn dịch uống: 250 mg/5 ml (methyldopa secquihydrat)
  • Dung dịch tiêm: 50 mg/ml (methyldopat hydroclorid)

3. Thuốc Methyldopa sử dụng cho những trường hợp nào?

Methyldopa được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

Điều trị các trường hợp tăng huyết áp với liều nhỏ vẫn có hiệu quả, tương đối an toàn và dung nạp tốt, có thể dùng được cho người suy thận, người mang thai, suy tim trái. Methyldopa là thuốc hạ huyết áp đầu tay được chỉ định cho phụ nữ mang thai vì tính an toàn và ít ảnh hưởng lên lượng máu tưới bánh nhau.

Methydopa có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các nhóm thuốc hạ áp khác như: Amilorid, thuốc lợi tiểu Thiazid,  nhóm chẹn beta.

4. Cách dùng – Liều lượng của Methyldopa?

Cách dùng: Methyldopa dạng viên được dùng đường uống.

Liều dùng:

Người lớn:

Liều khởi đầu: Uống 250mg/lần x 2-3 lần/ngày.

Liều duy trì: Uống 500mg-2g/ngày, chia 2 – 4 lần.

Liều tối đa: 3g/ngày.

Trẻ em: Uống 10mg/kg, chia làm 2-4 liều. Liều tối đa: 65mg/kg hoặc 3g/ngày.

Người cao tuổi: Uống 125 mg/lần x 2 lần/ngày. Liều tối đa 2 g/ngày.

5. Cách xử lý nếu quên liều thuốc Methyldopa?

Nếu người bệnh quên một liều Methyldopa nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm dùng của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng giờ theo trong kế hoạch điều trị.

6. Xử lý nếu dùng quá liều thuốc Methyldopa?

Khi dùng quá liều Methyldopa có biểu hiện lâm sàng như: Hạ huyết áp, với rối loạn chức năng của não và hệ tiêu hóa với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, an thần quá mức, mạch chậm, táo bón, đầy hơi, ỉa chảy.

Xử trí quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện triệu chứng bất thường nào do quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến cơ sở gần nhất để điều trị triệu chứng, rửa dạ dày hoặc gây nôn. Cần theo dõi hoạt động của tim, lưu lượng máu, cân bằng điện giải, liệt ruột và hoạt động của não. Methyldopa có thể được loại khỏi cơ thể bằng thẩm tách máu.

7. Những chống chỉ định, thận trọng khi dùng thuốc Methyldopa?

Methyldopa chống chỉ định cho những trường hợp sau:

Người có tiền sử mẫn cảm với Methyldopa hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Người viêm gan cấp, xơ gan đang tiến triển.

Người rối loạn chức năng gan.

U tế bào ưa crôm.

Người đang dùng thuốc ức chế MAO.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Methyldopa cho những trường hợp sau:

Chia sẻ thêm với sinh viên Cao đẳng Y Dược TPHCM tại trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cô cho biết:

Lưu ý thận trọng khi sử dụng Methyldopa cho người có tiền sử bệnh gan, rối loạn chức năng gan từ trước, người suy thận nặng, người có tiền sử thiếu máu tan huyết, bệnh Parkinson, trầm cảm tâm thần, rối loạn chuyển hóa porphyrin, người bị xơ vữa động mạch não.

Định kỳ định lượng hồng bạch cầu và làm xét nghiệm chức năng gan trong 6 – 12 tuần đầu điều trị hoặc khi người bệnh bị sốt nhưng không rõ nguyên nhân.

Lưu ý thận trọng với người đang lái tàu xe, người đang vận hành máy móc. Vì Methyldopa có thể gây buồn ngủ.

Lưu ý với phụ nữ trong thời kỳ mang thai: Chưa biết về những nguy cơ do thuốc. Thuốc không gây quái thai. Methyldopa có thể dùng cho người tăng huyết áp đang mang thai gây ra, nhưng trong số trẻ sinh ra từ các bà mẹ đã được điều trị bằng thuốc Methyldopa trong thời gian mang thai, đôi khi có gây hạ huyết áp.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Methyldopa bài tiết vào sữa mẹ, có thể gây nguy cơ đối với trẻ với liều điều trị thường dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy thuốc Methyldopa không nên dùng cho phụ nữ đan cho con bú.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng Methyldopa
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng Methyldopa

8. Thuốc Methyldopa gây ra các tác dụng phụ nào?

Thường gặp: Khô miệng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, nhức đầu, chóng mặt, sốt, hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp khi đứng, phù, an thần, giảm tình dục, ngạt mũi.

Ít gặp: Dị cảm, trầm cảm, suy nhược, giảm sự nhạy bén trí tuệ, ác mộng.

Hiếm gặp: Hội chứng suy nút xoang, liệt mặt, cử động dạng múa vờn không tự chủ, hội chứng thiểu năng tuần hoàn não, triệu chứng giống Parkinson, vô kinh, hoại tử biểu bì nhiễm độc, vàng da, viêm gan, viêm tuyến nước bọt, lưỡi đen, đầy hơi, viêm tụy, ngoại ban, hoại tử vi thể từng vùng, đau khớp, sưng khớp, đau cơ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, bệnh giống lupus ban đỏ, to vú đàn ông, tiết sữa, viêm đại tràng, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, chậm nhịp tim, làm trầm trọng thêm đau thắt ngực, suy tim, suy tủy xương, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết.

Tóm lại, trong quá trình sử dụng thuốc Methyldopa, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do sử dụng thuốc Methyldopa phải ngừng thuốc ngay và tham khảo ý kiến hướng dẫn của chuyên gia y tế để xử trí kịp thời.

9. Methyldopa tương tác với các thuốc nào?

Thuốc hạ huyết áp khác: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp và đồng thời tăng các phản ứng bất lợi của thuốc methyldopa.

Thuốc gây mê: Có thể làm tăng hạ huyết áp trong khi gây mê, phải giảm liều của thuốc gây mê hoặc có thể dùng thuốc co mạch.

Lithi: Dùng đồng thời của methyldopa, làm tăng độc tính của lithi.

Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAO): Dùng đồng thời của methyldopa, gây hạ huyết áp quá mức.

Amphetamin, các thuốc kích thích thần kinh trung ương, thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Dùng đồng thời với methyldopa, làm mất tác dụng hạ huyết áp. Vì gây đối kháng với tác dụng chữa tăng huyết áp và mất sự kiểm soát huyết áp của methyldopa.

Thuốc tạo huyết có sắt: Làm giảm nồng độ methyldopa trong huyết tương và làm giảm tác dụng hạ huyết áp của methyldopa.

Thuốc tránh thai uống: Dùng đồng thời của methyldopa, làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và gây khó kiểm soát huyết áp.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tác dụng phụ tăng nặng hơn. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi sử dụng hoặc báo cho bác sĩ điều trị biết các loại thuốc đang dùng, giúp kê đơn sử dụng thuốc môt cách an toàn và đạt hiệu quả.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Nguồn: Tin y tế – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC PASTEUR TUYỂN SINH TPHCM

VPTS - ĐT Quận Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 – 09.6295.6295
VPTS - ĐT Quận Bình Tân: 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Gặp Tư vấn

Top