Đi học trở lại học sinh phải làm 39 bài kiểm tra trong vòng 1 tháng
Theo ông Khang phân tích, riêng lớp 12 có 13 môn học. Từ đầu tháng 3 dạy trực tuyến và truyền hình 12 môn, còn môn thể dục chưa dạy. Số bài kiểm tra tối thiểu của 13 môn ở học kỳ 2 theo quy định là 76 bài. Dạy trực tuyến có thể 37 bài kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng và 15 phút), còn 39 bài kiểm tra định kỳ phải chờ học sinh đến trường.
Nếu trường học phải đóng cửa cho đến hết ngày 14.6 (chủ nhật), từ 15.6 học sinh lớp 12 được đến trường. Như vậy, từ 15.6 – 15.7, học sinh lớp 12 có 1 tháng đến trường tương đương với 27 buổi (trừ chủ nhật), cả 27 buổi này phải kiểm tra để có 39 đầu điểm để vào sổ tổng kết học kỳ và cơ sở để kết thúc năm học, bình quân 1,4 bài/buổi. Suốt 1 tháng, cứ đến trường là làm bài kiểm tra, không môn này thì môn khác, chưa kể nhà trường cần thời gian để hoàn thiện hồ sơ sổ sách, các thủ tục để kết thúc năm học. “Như vậy gần như các trường không có thời gian nào dạy học… học sinh cứ đến trường làm kiểm tra liệu có chịu nổi? Giáo viên có đủ sức và thời gian chấm bài ?”, ông Khang đặt câu hỏi.
Cũng theo TS Lương Tâm Uyên – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cho rằng, nếu đến 15.05 này tình hình dịch bệnh được khống chế và dập dịch thành công, học sinh đến trường được thì thời gian học tập và chuẩn bị sẽ còn khá dài, còn trong trường hợp đến tận 15.06 mới có thể quay trở lại trường học sẽ khá eo hẹp như thế nếu thi thì Bộ chỉ nên ra trong giới hạn chương trình của học kỳ I. Bên cạnh đó, Bộ cần có thay đổi, điều chỉnh về thực hiện kiểm tra, đánh giá với học sinh trung học để áp dụng trong học kỳ 2 của năm học này cho phù hợp, không áp dụng quy định cứng nhắc như các năm trước.
Cần có điều chỉnh thay đổi cách đánh giá học trên mạng, truyền hình..
Trước đó Bộ GD&ĐT đưa ra mốc cho kỳ thi THPT quốc gia để tổ chức, theo đó nếu đến ngày 15.06 mà do ảnh hưởng của dịch bệnh học sinh 12 vẫn chưa quay trở lại trường học thì sẽ lên phương án khác cho kỳ thi làm sao có lợi nhất cho học sinh. Còn trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể quay trở lại trường học thì kỳ thi THPT quốc gia vẫn sẽ được tổ chức như dự định vào giữa tháng 08.
Đại diện Bộ phân tích: học kỳ II năm học 2019 – 2020 có 18 tuần, đã học được 2 tuần trước tết, sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng 10 tuần đến khi kết thúc năm học, trước 15.7. Trong hơn hai tuần từ khi có hướng dẫn dạy học trên internet và dạy qua truyền hình của Bộ (từ 25.3 đến nay), các cơ sở giáo dục đều dạy – học theo phương thức này.
Nếu tính từ 15.4 là mốc thời gian các trường dạy học qua internet, trên truyền hình (một số nơi làm sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường (muộn nhất là 15.6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường trung học chỉ ra rằng tính toán của Bộ phải dựa trên bình diện quốc gia chứ không thể nhìn vào một số trường hoặc một số địa phương làm tốt để “áp” cho đại trà. Nếu lấy mốc muộn nhất là ngày 15.6 trở lại trường thì quá gấp gáp, thậm chí không đủ thời gian cho việc tổ chức các bài kiểm tra định kỳ cho học sinh theo đúng quy định hiện hành.
Theo chuyên gia giáo dục Phí Thị Mơ – Cán bộ tuyển sinh Cao đẳng Dược cũng là giáo viên giảng dạy THPT cho rằng, sở dĩ Bộ GD&ĐT đưa ra mốc thời gian đó để hoàn thành chương trình của học kỳ II là Bộ tin vào kết quả chất lượng của việc học trực tuyến, học trên truyền hình dù thực tế nhiều giáo viên địa phương phản ánh chất lượng giảng dạy trực tuyến thấp hơn nhiều so với giảng dạy trên lớp và còn nhiều bất cập. Cô Mơ cũng chỉ rõ Bộ cần bỏ thời gian học trực tuyến không nên đưa vào để thay thế học chính thức như thế sẽ có lợi cho học sinh hơn.