Theo đại diện Bộ GD&ĐT đến sau năm 2020 sẽ xem xét dừng kỳ thi thpt quốc gia tại tất cả các địa phương lý do bởi việc này nằm trong đề án được Chính phủ phê duyệt trước đó đến năm 2020.
- Thêm 3 trường an ninh thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2019
- Bộ Công an lý giải tại sao chỉ còn 3 trường Công an tuyển sinh 2019
- Tuyển sinh năm 2019 dừng tuyển sinh Đại học các trường Công an phía Nam
Sau năm 2020 sẽ xem xét dừng kỳ thi thpt quốc gia
Theo đó, tại buổi họp bàn về vấn đề thi cử, đại diện Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng:
“Phải nhìn lại việc tổ chức thi trước năm 2015, ngoài việc thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ phải thi 3 kỳ thi nữa là thi đại học, thi cao đẳng ở các khối khác nhau. Việc tổ chức thi cũng gây những khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Vào các ngày thi, học sinh phải dồn từ các tỉnh về các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, gây rất bức xúc cho người dân. Việc đổi mới thi nhằm khắc phục những khó khăn trên, bảo đảm công bằng, giảm áp lực cho các em”.
Bộ cũng đã cân nhắc các ý kiến. Thứ nhất, thời điểm hiện tại đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT là không được, vì trái với Luật Giáo dục. Trong Luật nêu rõ là học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được quyền dự thi và nếu đủ các điều kiện thì được đỗ tốt nghiệp và được Giám đốc Sở GD&ĐT công nhận cấp bằng tốt nghiệp THPT. Cho nên việc đầu tiên là phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc này cũng đã được cân nhắc, bởi vì trong hệ thống các bậc học phổ thông, thì cấp tiểu học và THCS trước đây đều có thi tốt nghiệp. Tuy nhiên Luật Giáo dục 2005 đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, chỉ còn một kỳ thi THPT. Đó cũng là một trong những kỳ thi quan trọng, dấu mốc đánh giá cả quá trình học phổ thông, không có thi thì động lực học tập của học sinh sẽ giảm sút. Do đó, cần thiết phải tổ chức kỳ thi này.
Ngoài ra, “nếu tổ chức cả 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì rất vất vả cho các em. Bộ đã đưa ra phương án không tổ chức thi đại học mà tổ chức một kỳ thi chung có tên là kỳ thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi “hai trong một”, vừa lấy kết quả làm căn cứ xét tốt nghiệp và cũng làm cơ sở cho các trường đại học dựa vào đó để tuyển sinh”, ông Độ giải thích.
Cùng với đó, Luật Giáo dục đại học ghi rõ là các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc triển khai công tác này. Cho nên, việc tổ chức riêng kỳ thi đại học là không phù hợp, mà chỉ có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như vậy.
“Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và cho phép thực hiện đến năm 2020, chúng tôi đang thực hiện và cũng qua báo chí, tiếp thu, ghi nhận ý kiến nhân dân. Sau năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình cụ thể” – Thứ trưởng Độ khẳng định.
Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội tại Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 30 – 31/5, nhiều đại biểu đặt vấn đề về bất cập kỳ thi THPT Quốc gia. Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét đánh giá tác động của việc gộp 2 kỳ thi làm 1. Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đề nghị giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để họ có quyền tổ chức thi xét tuyển cũng như chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu vào và đầu ra của trường mình.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, việc tích hợp 2 kỳ thi trong 1 mà với 2 mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ xảy ra nhiều hệ lụy khó lường. Theo bà Dung, hướng tới tự chủ đại học, nên để các trường Đại học chủ động trong tuyển sinh. Vì vậy, đại biểu này đề nghị nên tách 2 kỳ thi. “Đối với xét tốt nghiệp, nên chăng các địa phương chỉ xét mà có thể không cần phải thi, còn các kỳ thi Đại học thì để các trường đại học tổ chức thi” – đại biểu Dung cho biết.
Tổng hợp tin tức giáo dục