Dịch nhầy xuất hiện ở đường hô hấp như mũi, họng, phế quản, phổi gây khó chịu, có thể gây khó thở cho người bệnh. Bromhexine là thuốc được sử dụng làm loãng chất nhầy trong đường hô hấp, do đó làm cho các chất nhầy ít dính và tạo điều kiện cho việc loại bỏ các chất nhầy dễ dàng.
- Cyclosporine: Thuốc ức chế miễn dịch và những lưu ý khi sử dụng
- Những thuốc gây tổn thương gan và cách phòng ngừa khi sử dụng
- Vitamin B1 là gì? Công dụng, liều dùng và các lưu ý khi sử dụng
Tìm hiểu về Bromhexine
1. Bromhexine là thuốc gì?
Bromhexine là một dẫn xuất tổng hợp từ hoạt chất thảo dược vasicine, thuốc có tác dụng long đờm, làm tiêu chất nhầy ở đường hô hấp. Bromhexine được dùng trong các trường hợp liên quan đến rối loạn tiết dịch phế quản, nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.
Dược sĩ Cao đẳng Dược chia sẻ tác dụng long đờm của thuốc Bromhexine thông qua cơ chế hoạt hóa sự tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi acid mucopolysaccharide, do đó thuốc làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Thuốc làm long đờm dễ dàng hơn, giúp đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả.
Khi dùng Bromhexine qua đường uống, sau 2 – 3 ngày thuốc mới có tác dụng trên lâm sàng. Nhưng khi dùng đường tiêm, thuốc cho tác dụng nhanh sau khoảng 15 phút.
Bromhexine còn được dùng tại chỗ để điều trị hội chứng mắt khô kèm sản xuất dịch nhày bất thường (hội chứng Sjõgren’s), nhưng ít được áp dụng vì kết quả chưa rõ, không ổn định.
Ngoài ra, Bromhexine còn có tác dụng phân hủy chất tiết và làm tăng sự vận chuyển chất nhầy ở đường phế quản bằng cách làm giảm độ quánh của chất nhầy và hoạt họá biểu mô có nhung mao, giúp tăng độ thanh lọc chất nhầy của nhung mao, giúp thuận lợi việc khạc đờm và ho dễ dàng.
Sau khi điều trị bằng Bromhexine, nồng độ các thuốc kháng sinh sử dụng đồng thời như Amoxicilin, Erythromycin, Oxytetracyclin trong đờm và dịch tiết phế quản – phổi tăng lên.
2. Dạng thuốc và hàm lượng của Bromhexine như thế nào?
Thuốc Bromhexine được dùng dưới dạng muối hydroclorid, sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng như:
Viên nén: 4 mg, 8 mg.
Dung dịch uống 0,2%: Lọ 60 ml và 150 ml (2 mg/1 ml, 10 mg/5 ml).
Cồn ngọt (elixir) 0,08%: Lọ 30 ml và 60 ml (4 mg/5 ml).
Dung dịch tiêm 0,2%: Ống tiêm 4 mg/2 ml.
Một số chế phẩm dạng phối hợp Bromhexin với thuốc kháng khuấn, thuốc long đờm, dưới dạng viên nén, sirô hoặc dung dịch uống
Biệt dược Brand name: Bisolvon,Bisolvon Elixir,Bisolvon Kids,Bisolvon Tablets.
Biệt dược Generic: Bromhexine, Agi-Bromhexine, Bicric, Biovon 8mg, Bisinthvon, Bislan, Codusol, Disolvan, Dosulvon, Duo Hexin, Hexinvon 4, Hexinvon 8, J cof, Jkyzamo, Medibivo sol, Muscolyse, Nic Besolvin, Novahexin, Paxirasol, Savi Bromhexine 8, Suroate Tablets “Honten”, Tosseque, Usarolvon.
Bivonfort Injection, Bixovom 4, Bixovom 8, Brometic 2mg/10ml, Bromhexin, Bromhexin 4, Bromhexin 4mg, Bromhexin 8, Bromhexin 8mg, Bromhexin Actavis 8mg, Bromhexine A.T, Bromhexine injection.
3. Thuốc Bromhexine dùng cho những trường hợp nào?
Điều trị tình trạng rối loạn tiết dịch phế quản, nhất là trong viêm khí phế quản, viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.
Ngoài ra Bromhexin được dùng như một chất bổ trợ với kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.
4. Cách dùng – Liều dùng của Bromhexine như thế nào?
Cách dùng: Thuốc Bromhexine dạng viên, dung dịch uống được dùng bằng đường uống với nước lọc, sau bữa ăn. Dung dịch tiêm có thể dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm trong 2 – 3 phút. Dung dịch tiêm có thể truyền tĩnh mạch cùng với dung dịch glucose 5% (pha tới 20 mg/500 ml), hoặc dung dịch tiêm natri clorid 0,9% (pha tới 40 mg/500 ml).
Liều dùng đường uống cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: Uống 8mg/lần x 3 lần/ngày.
Liều dùng đường uống cho trẻ em 5 – 10 tuổi: Uống 4mg/lần x 3 lần/ngày.
Liều dùng đường uống cho trẻ em 2 – dưới 5 tuổi: Uống 4mg/lần x 2 lần/ngày.
Liều dùng đường uống cho trẻ em dưới 2 tuổi: Uống 1 mg/lần (1/4 thìa cà phê elixir) ngày uống 3 lần.
Thời gian điều trị không quá 8 – 10 ngày trừ khi có ý kiến bác sĩ.
Thuốc tiêm được dùng điều trị cho những trường hợp nặng hoặc các biến chứng sau phẫu thuật.
Liều dùng đường tiêm cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: Tiêm liều 8 – 16 mg/ngày, chia làm 2 lần.
Liều dùng đường tiêm cho trẻ em dưới 10 tuổi Tiêm liều 4 – 8 mg/ngày, chia làm 2 lần.
Tuy nhiên, liều dùng cụ thể tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ diễn tiến của bệnh và dạng bào chế của thuốc. Người bệnh cần tuân thủ theo liều lượng chỉ định và thời gian điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.
Thuốc tân dược Bromhexine
5. Cách xử lý nếu quên liều thuốc Bromhexine?
Nếu người bệnh quên một liều Bromhexine, nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng giờ đã lên kế hoạch.
6. Người bệnh làm gì khi dùng quá liều thuốc Bromhexine?
Các dữ liệu về dùng quá liều Bromhexine hiện nay chưa rõ. Tuy nhiên, nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do quá liều cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị triệu chứng và sử dụng các biện pháp thích hợp để loại bỏ phần thuốc chưa được hấp thu ở dạ dày, ruột.
7. Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Bromhexine?
Dược sĩ văn bằng 2 Cao đẳng Dược cho biết thuốc Bromhexine không sử dụng cho những trường hợp như: Quá mẫn với Bromhexine hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc; Phụ nữ có thai 3 tháng đầu và phụ nữ cho con bú.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Bromhexine cho các trương hợp sau:
Không dùng thuốc ức chế ho như codein trong khi người bệnh đang dùng Bromhexine, vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp.
Thận trọng vói người có tiền sử loét dạ dày. Do Bromhexin có tác dụng làm lỏng và tiêu dịch nhầy, nên có thể gây huỷ hoại hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Thận trọng khi dùng cho người bệnh hen, vì Bromhexine có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm.
Thận trọng và theo dõi ở người bệnh có suy gan hoặc suy thận nặng. Vì sự chất chuyển hoá và thải trừ Bromhexine có thể bị giảm.
Thận trọng khi dùng Bromhexin cho người bị suy nhược cơ thể, người già quá yếu. Vì nhưng đối tượng này không có khả năng khạc đờm, do đó làm tăng ứ dịch đờm và giảm hiệu quả điều trị.
Đối vơi thuốc dạng sirô, sau khi đã dùng hết số lần sử dụng ghi trên nhãn hoặc quá 2 tháng sau khi mở nắp hộp thì thuốc còn lại phải bỏ đi vì có thể liều lượng không còn đảm bảo nữa.
Để thuốc xa tầm tay của trẻ em để tránh việc trẻ ăn hoặc uống nhầm thuốc, có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho đường tiêu hóa và gây ra một số bệnh lý khác nguy hiểm cho trẻ. Nếu có ăn hoặc uống nhầm, cần phải ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Người bệnh không nên tự ý tăng hay giảm liều, vì như thế có thể gây ra các phản ứng quá mẫn, hoặc làm giảm hiệu quả điều trị thuốc.
Người bệnh không tự ý dừng thuốc mà phải tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ. Việc tự ý ngưng dùng thuốc có thể gây giảm miễn dịch của cơ thể, và có thể làm tăng triệu chứng của một số bệnh.
Khi ngưng sử dụng thuốc Bromhexine cần giảm từ từ, không nên dừng đột ngột. Lưu ý không bỏ quên quá 2 liều liên tiếp.
Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, chưa có dữ liệu nghiên cứu cho thấy thuốc Bromhexine ảnh hướng đến thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khuyến cáo không dùng cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không dùng cho phụ nữ đang thời kỳ cho con bú.
Cần thận trọng với những người đang lái tàu xe hoặc vận hành máy móc, vì thuốc Bromhexine có thể gây ra chóng mặt, mệt mỏi.
8. Thuốc Bromhexine gây ra các tác dụng phụ nào?
Bromhexine gây ra các tác dụng phụ ít gặp như: Ban da, mày đay, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu, ỉa chảy, nhức đầu, chóng mặt, ra mồ hôi, nguy cơ ứ dịch tiết phế quản ở người bệnh không có khả năng khạc đờm, khô miệng, ho, co thắt phế quản, tăng enzym transaminase AST, ALT.
Trong quá trình sử dụng thuốc Bromhexine, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Bromhexine thì cần xin ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.
Bromhexine dạng viên
9. Thuốc Bromhexine tương tác với các thuốc và thực phẩm nào?
Các thuốc làm giảm tiết dịch như Atropin hoặc Anticholinergic: Các thuốc này làm giảm tác dụng của Bromhexine khi được sử dụng đồng thời.
Các thuốc chống ho như Codein: Các thuốc này làm mất tác dụng của Bromhexine khi được kết hợp chung. Chống chỉ định vơi sự kết hợp này.
Các thuốc kháng sinh như Amoxicilin, Cefuroxim, Erythromycin, Doxycyclin: Bromhexine làm tăng nồng độ thuốc các kháng sinh này vào mô phổi và phế quản khi được sử dụng đồng thời. Vì vậy, Bromhexine được xem như một thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuấn hô hấp, làm tăng tác dụng của thuốc kháng sinh.
Thực phẩm, rượu hay thuốc lá: Trong quá trình sử dụng thuốc Bromhexine, người bệnh cần hạn chế tối đa các loại thức ăn hay đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích để tránh làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc.
Nhìn chung, tương tác thuốc với thuốc hay thuốc với thực phẩm hay đồ uống như rượu bia có thể làm thay đổi tác dụng điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc thông báo cho bác sĩ kê đơn biết những loại thuốc đang dùng kể cả thuốc có nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm, đồ uống có nguy cơ để giúp bác sĩ xem xét kê đơn phù hợp, an toàn và đạt hiệu quả trong điều trị.
Tóm lại, Bromhexine là thuốc long đờm được chỉ định điều trị hiệu quả cho các tình trạng rối loạn tiết dịch nhày ở đường hô hấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Bromhexine, người bệnh cần có tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn để đạt lợi ích tốt nhất và không nên tự ý dùng thuốc hay tự ý ngưng thuốc hoặc tự ý thay đổi liều lượng của thuốc.
10. Bảo quản thuốc Bromhexine như thế nào?
Bromhexine được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ thích hợp là dưới 30°C, khô thoáng, tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.
Nguồn caodangyduocpasteur.com.vn tổng hợp từ DSCK1. Nguyễn Hồng Diễm