Gần như các tỉnh đã hoàn tất chấm thi thpt quốc gia đối với môn Văn cập nhật thông tin chấm thi cho thấy với đề thi văn năm nay rất khan hiếm điểm 9.
- Sau khi biết điểm thí sinh được điều chỉnh NV thử 3 ngày
- Bộ GD&ĐT không du di trong chấm thi môn Ngữ Văn 2019
- Chấm thi thpt quốc gia 2019 đã xuất hiện nhiều điểm liệt
Kết quả chấm thi thpt quốc gia năm 2019 khan hiếm điểm 9
Sau mấy ngày chấm thi trên toàn quốc, điểm 9 môn Ngữ văn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thi, TP Hồ Chí Minh có 2 điểm 9; Bắc Giang có điểm cao nhất là 8,5; còn tại Lạng Sơn, điểm phổ biến nhất môn Ngữ văn là 5, 6 điểm.
Theo quy định, những bài thi đạt điểm 9 đều được 2 giám khảo và 1 tổ trưởng điều hành chấm thi thống nhất.
Khi đi kiểm tra công tác thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý hiện tượng chấm chặt quá khiến các học sinh bị thiệt thòi. Việc này cần xem xét và thực hiện nghiêm túc để nếu cần thiết phải quyết liệt xử lý và dừng việc chấm thi của những giám khảo như vậy để tránh thiệt thòi cho các thí sinh.
“Nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực, mức chênh lệch điểm môn Ngữ văn giữa hai vòng chấm chỉ chênh nhau tối đa dưới 1 điểm. Các ban chấm thi cần đảm bảo đúng tiến độ chấm nhưng phải trung thực, khách quan, phản ánh đúng kết quả bài làm của thí sinh” – Thứ trưởng Độ nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi này, Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; trong đó việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn). Không chỉ chấm thẩm định 5% số bài thi, năm nay các bài được điểm cao cũng sẽ được chọn để chấm kiểm tra.
Qua kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Kạn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh (Trưởng đoàn) đề nghị, vai trò của tổ thư ký trong công tác chấm thi phải rất rõ khi tham mưu cho tổ chấm và điều phối lựa chọn các bài chấm kiểm tra.
“Mục đích của việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% là xem liệu việc chấm vòng 1 và vòng 2 có đều tay hay không, qua đó, có hướng xử lý nếu có vấn đề phát sinh…” – ông Trinh cho hay.
Còn tại Ninh Bình, tổng khối lượng bài thi tự luận môn Ngữ văn là trên 8.200 bài, dự kiến đến ngày 9/7 sẽ chấm thi xong. Sở sẽ chấm những bài thi đạt từ 8 điểm trở lên. Qua những ngày chấm thi đầu tiên, phổ điểm rộng nhất là các bài đạt điểm từ 5 – 7 điểm, đã xuất hiện bài thi đạt 8,5 điểm.
Trong đợt kiểm tra này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu Ban chấm thi tự luận Hội đồng thi Sở GD&ĐT Ninh Bình phải đặc biệt quan tâm đến khâu chấm kiểm tra, nhất là chấm kiểm tra bài sau khi đã có kết quả thống nhất điểm.
Qua đó, điều chỉnh những trường hợp chấm chênh lệch nhiều. Thứ trưởng Độ cho rằng, nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực của mình thì mức chênh lệch điểm môn Ngữ văn giữa 2 vòng chấm chỉ có thể chênh nhau tối đa dưới 1 điểm.
Sau khi chấm kiểm tra, thống nhất điểm giữa 2 giám khảo 1 và 2 mà chênh 1,5 điểm trở lên thì bên cạnh việc chấm thêm vòng thứ 3, cần phải xem lại nguyên nhân từ phía cán bộ chấm thi. Phải tìm hiểu chênh lệch do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, do nhận thức, năng lực hay có động cơ cá nhân để có biện pháp xử lý.
“Việc chấm chênh điểm thi cần được thông báo trong Hội đồng ban chấm thi. Nếu giám khảo chấm lệch điểm đến lần thứ 3, Hội đồng chấm thi cần kiên quyết loại bỏ” – ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Ban biên tập sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin về điểm thi điểm chuẩn vào các trường Đại học để các em học sinh cũng như phụ huynh được nắm rõ.