Bướu tuyến giáp là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên nhiều người thường nhầm lẫn nó với bệnh ung thư tuyến giáp, gây lo sợ và hoang mang.
Nguyên nhân và triệu chứng rõ nhất về bệnh bướu tuyến giáp
Bướu tuyến giáp là bệnh gồm nhiều thể khác nhau như bướu giáp đơn thuần, bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân, đặc trưng bởi hiện tượng có một khối u lồi ở vùng cổ. Trong các thể bệnh của bướu giáp thì bướu giáp đơn thuần hay gặp nhất. Bệnh bướu cổ đơn thuần là tình trạng sưng lên của tuyến giáp mà không liên quan đến tình trạng viêm nhiễm hay ung thư. Bệnh thường gặp nhiều ở nữ giới hơn nam và không tiến triển thành ung thư.
Nguyên nhân gây ra bướu tuyến giáp?
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở phần cổ. Bình thường tuyến giáp cần có sự tham gia của iod để hoạt động bình thường nên thiếu hụt iod là nguyên nhân dẫn đến bướu cổ. Khi tuyến giáp không được cung cấp đủ iod thì lượng hormone sản sinh ra bị giảm, cơ thể sẽ feedback ngược bằng cách tăng kích thước tuyến giáp để tăng sản sinh hormone và khi tuyến giáp bị to lên sẽ tạo thành bướu cổ. Các nguyên nhân gây bướu cổ gồm :
- Cung cấp thiếu iod trong chế độ ăn
- Rối loạn bẩm sinh có tính chất gia đình hoặc bệnh di truyền Pended
- Sử dụng một số loại thuốc kéo dài gây ức chế quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp như thuốc chống loạn nhịp, thuốc điều trị hen…hoặc sử dụng các loại thức ăn ảnh hưởng đến tuyến giáp như các loại rau họ cải, măng…
- Phụ nữ bị kích thích tinh thần trong giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc cho con bú cũng có nguy cơ rối loạn nội tiết gây bướu giáp.
- Sử dụng nguồn nước có độ cứng cao làm ảnh hưởng đến sự tổng hợp hormon tuyến giáp
- Các bệnh rối loạn quá trình hấp thu hoặc rối loạn đào thải như viêm đại tràng mạn, tiêu chảy kéo dài, bệnh thận mạn tính…
Các triệu chứng của bướu tuyến giáp là gì?
Với những bướu giáp nhỏ thì rất khó để phát hiện. Nhưng nếu khối bướu giáp đủ lớn thì có thể phát hiện được dựa trên những dấu hiệu như:
- Tuyến giáp mở rộng, sưng lên, thường được gọi là bướu cổ
- Đau ở cổ hoặc có cảm giác vướng ở cổ họng
- Khó nuốt, khó thở
- Khàn giọng
- Nếu hạch tuyến giáp sản xuất dư thừa hormone tuyến giáp, có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh cường giáp, chẳng hạn như:
- Nhịp tim nhanh, không đều
- Sút cân không giải thích được
- Run tay chân
- Hay cáu gắt, mất ngủ, suy giảm trí nhớ
Đa số trường hợp bướu tuyến giáp không cần thiết phải điều trị
Bướu tuyến giáp được điều trị như thế nào?
Nếu các bướu giáp nhỏ không gây ảnh hưởng đến chức năng cũng như tính thẩm mỹ thì người bệnh chỉ cần duy trì chế độ ăn hợp lý. Trong các trường hợp bướu giáp lớn gây biến dạng cổ, gây khó nuốt, khó thở…khi đó sẽ được cân nhắc phẫu thuật.
Nếu bướu của bạn không phải là ung thư và không gây ra vấn đề gì thì có thể không cần điều trị gì cả. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh. Bướu tuyến giáp lành tính hiếm khi chuyển biến thành ung thư. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể sẽ thực hiện sinh thiết thường xuyên để loại trừ khả năng này.
Cách phòng ngừa bệnh bướu tuyến giáp
Bướu cổ là bệnh dễ phát hiện, nguyên nhân thường do thiếu iod, nhưng nếu có bổ sung thêm iod thì bướu cũng khó nhỏ lại được. Trong các trường hợp bướu giáp gây ra cường giáp, việc sử dụng hormon để điều trị cũng rất khó khăn. Phẫu thuật tuyến giáp là một phẫu thuật khó khăn do tuyến giáp nhỏ và có tuyến cận giáp nằm ngay bên cạnh. Do đó điều trị bệnh tuyến giáp rất khó và tốn kém. Để phòng ngừa bệnh bướu cổ cầ thực hiện chế độ ăn giàu iod như sử dụng các thức ăn có nguồn gốc từ biển như cá, tôm, rong biển..chữa các bệnh rối loạn tiêu hoá và cách tốt nhất là dùng muối iod.
Trên đây là một số chia sẻ về bệnh bướu tuyến giáp. Hi vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu thêm rằng đây là một căn bệnh lành tính và không cần phải lo lắng nếu bạn mắc phải. Chúc bạn sẽ luôn có được sức khỏe thật tốt để học tập và làm việc!
Nguồn: caodangyduocpasteur.com.vn