Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội), nhiều cử tri chưa được yên tâm về hình thức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia.
- Năm 2020 vẫn lấy điểm thi THPT quốc gia để tuyển sinh đại học
- Thi thpt quốc gia 2020 thí sinh sẽ phải làm 5 bài thi
- Sẽ ưu tiên gọi nhập ngũ những thí sinh tốt nghiệp ĐH – CĐ
Thi trắc nghiệm toán: Lo thầy cô dạy mẹo học sinh mất tư duy logic
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho hay, trong thời gian qua cử tri hết sức quan tâm đến việc tổ chức thi THPT quốc gia. Đặc biệt còn nhiều ý kiến cho rằng thi bằng phương thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi THPT chưa được yên tâm.
“Hình thức thi này là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,… Ngoài ra, nó còn tạo nên cách dạy và học tư duy đối với môn này bị thay đổi. Thầy cô chỉ cần dạy cho học sinh biết cách làm bài thi trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài. Còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất. Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm một bài toán và tư duy logic. Đây là điều cần phải có khi học Toán nhưng lại bị xem nhẹ, học sinh chỉ cần ra được đáp án đúng là đủ”, bà Ánh nói.
Chính vì vậy, theo bà Ánh, thời gian gần đây, nhiều giảng viên dạy các môn khoa học tự nhiên ở các trường đại học đã có ý kiến về chất lượng của học sinh phổ thông.
“Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo chung của cả hệ thống. Đề nghị Chính phủ lắng nghe ý kiến của cử tri lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu lại phương thức thi trong thời gian tới”, bà Ánh kiến nghị.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng công bố hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019 -2020, trong đó lưu ý cụ thể về kỳ thi thpt quốc gia năm 2020. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được giữ ổn định như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT vừa công bố hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019 – 2020, trong đó lưu ý cụ thể đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông.
Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi THPT quốc gia. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và sở GD-ĐT đối với các hội đồng thi…
Đồng thời, làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi THPT quốc gia. Tăng cường quán triệt quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi. Đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Bộ cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.
Tổng hợp tin tức giáo dục.